13/03/2017 16:24
Kong: Skull Island – Một Việt Nam tuyệt vời trên màn ảnh thế giới
Bom tấn Hollywood quay tại Việt Nam Kong: Skull Island chính là phim ăn khách nhất cuối tuần qua trên toàn thế giới với doanh thu 142,6 triệu đôla chỉ sau 2 ngày ra rạp.
Với chi phí sản xuất khoảng 185 triệu đôla và chi phí tiếp thị đến 136 triệu đôla, giới làm phim tính toán, Kong: Skull Island phải đạt doanh thu 500 triệu đôla mới có thể gọi là thành công. Trước đó, nhà sản xuất chỉ kỳ vọng trong 2 ngày đầu ra rạp, khỉ Kong sẽ kiếm được từ 45 đến 50 triệu đôla tại Mỹ. Tuy nhiên, việc vượt qua con số 60 triệu đôla đã đưa Kong thành quái vật kiếm tiền tốt thứ hai của Warners và Legendary, sau Godzilla.
Một Kong ấn tượng và mãn nhãn
Rất nhiều tờ báo nhận xét, cuộc săn đuổi quái vật trong Kong: Skull Island gợi nhớ tới bom tấn Apocalypse Now của nhà làm phim gạo cội Francis Ford Coppola. Trong khi đó, bản thân đạo diễn Jordan và quay phim Larry Fong thẳng thắn chia sẻ họ đã mượn nhiều chi tiết trong Apocalypse Now như cảnh quạt máy bay in trên nền trời màu đỏ và cảnh bom napan khi mô tả về cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Trang Entertainment Weekly nhận xét: “Kong: Skull Island dường như trở thành cách để xoa dịu vết thương chiến tranh do Mỹ gây ra thông qua việc tái hiện hình ảnh chiến tranh của Việt Nam. Nhưng chúng ta sẽ không bàn đến chính trị quá nhiều ngoài việc đạo diễn đã mượn vài chi tiết trong Apocalypse Now để xây dựng cuộc chiến. Bên cạnh đó, bạn sẽ thấy một hòn đảo hình đầu lâu ẩn hiện trên Thái Bình Dương vừa bí hiểm vừa độc đáo, đồng thời chú khỉ Kong trong phim sẽ là chú khỉ có kích thước khổng lồ và ấn tượng nhất trong các dòng phim về King Kong bạn đã từng xem”.
Cũng dành lời khen cho kỹ xảo xây dựng Kong, trang tin The Wrap bình luận: “Chú khỉ Kong hiện lên đầy chân thực nhờ kỹ xảo cực kì tiên tiến motion capture (người đóng thế động vật và mọi cử chỉ hay biểu cảm nhỏ nhất đều được thu lại vào máy vi tính), nhờ vậy khán giả sẽ cảm nhận được mọi cảm xúc cũng như hành động của Kong một cách tự nhiên. Đặc biệt là những phân đoạn quay cận mắt của Kong như đỏ ngầu vì giận dữ hay trong sáng hồn nhiên. Có thể nói Kong trong Kong: Skull Island là chú khỉ có tạo hình ấn tượng và tuyệt vời nhất”.
Tờ Hollywood Reporter thì dành lời có cánh cho các hiệu ứng chiến đấu trong phim: “Việc dùng kỹ xảo để xây dựng các loài vật có cảm xúc và nhân tính trên phim là điều không mới, nhưng vệc thiết kế những cảnh chiến đấu chân thực và ấn tượng là điểm cộng rất lớn cho bộ phim. Nhờ vậy, Kong: Skull Island trở thành bộ phim hành động mãn nhãn và phần nào cứu vớt cho nội dung của phim”.
Nội dung mờ nhạt, diễn viên chỉ tròn vai
Dù báo chí Việt Nam nhận định Kong: Skull Island là bộ phim hấp dẫn và kịch tính, nhưng nhiều tờ báo nước ngoài chỉ dành chữ tạm được cho siêu phẩm này. Một số báo cho rằng đạo diễn Jordan đã dành quá nhiều thời gian để tìm bối cảnh, đầu tư kỹ xảo mà không thực sự chú trọng nội dung khiến bộ phim chỉ có thể mang tính giải trí chứ không thực sự giàu ý nghĩa nhân văn.
Chẳng hạn, trang chuyên bình luận phim Collider nhận xét: “Nhân vật của Brie Larson đã không thực sự làm tốt vai trò của mình, từ đầu đến cuối, có lẽ khán giả thấy điểm nhấn duy nhất của cô ấy là sờ mặt Kong và chảy nước mắt, ngoài ra, cô ta chỉ phát ngôn những lời vô nghĩa và không them nghe lời các nhà khoa học đi cùng. Tương tự với vai diễn của Tom Hiddleston chẳng tạo được ấn tượng và thờ ơ đến ngạc nhiên”.
Tờ The New Yorker thì đánh giá bộ phim có nội dung dài lê thê khi để cho các nhóm chia rải rác trên đảo để hành động thay vì cùng tập trung chiến đấu. Trong khi đó, tờ The Guardian thì thẳng thắn cho rằng ngoài kỹ xảo nổi bật hơn, Kong: Skull Island khó có thể vượt qua phiên bản Kong gốc năm 1933 hay phiên bản làm lại của đạo diễn Peter Jackson đầy kịch tính năm 2005.
Việt Nam tuyệt đẹp và khác biệt với thế giới
Kong: Skull Island được quay tại Việt Nam, Úc và Hawaii, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép hình ảnh của cả ba nơi này để tạo nên một hòn đảo chưa từng xuất hiện trên hành tinh, và những phân cảnh quay ở Việt Nam gây được nhiều ấn tượng hơn cả.
Nhà báo Genevieve Sarah Loh của kênh News Asia đã nhận xét Việt Nam tuyệt đẹp và khác biệt với thế giới, đồng thời có hẳn một bài phỏng vấn các nhân vật trong phim để lý giải tại sao Việt Nam là địa điểm hoàn hảo của Kong. Trong đó, bản thân đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chia sẻ: “Tôi đã yêu khung cảnh tại Việt Nam từ cái nhìn đầu tiên và lựa chọn nơi tuyệt đẹp này cho bộ phim của mình. Rồi các bạn sẽ thấy, ngoài khung cảnh, bạn sẽ yêu cả ẩm thực, con người và văn hoá tại đây như cách tôi đã phải lòng”.
Tờ Variety thì dành lời khen: “Thay vì dung màn phông xanh để dựng lên các kỹ xảo thiên nhiên, đoàn làm phim đã sử dụng những hình ảnh cực kì chân thực từ các quốc gia như Việt Nam, Úc...điều này giúp cho mọi thứ hiện lên tự nhiên hơn. Đặc biệt phong cảnh tại Việt Nam là nơi mà chúng ta khó tin nó có tồn tại trên hành tinh này”.
Còn từ góc nhìn của giới Marketing - Thương hiệu, bà Phùng Thị Phương, Brand Strategy Manager của Richard-Moore Associates Vietnam có một nhận định khác biệt và sâu sắc về việc ra mắt siêu phẩm "Kong" lần này:
Liệu Kong: skull island có thể trở thành một “Cú hích” để Du lịch Việt Nam “Cất Cánh”?
Chỉ một ngày sau “Kong: Skull Island” được công chiếu thì các công ty du lịch ngoại đã khai thác triệt để cơ hội này với các tour phim trường đến Việt Nam. Họ không được trao cơ hội vàng này, nhưng họ dường như nhanh nhạy hơn cả chúng ta.
Một người bạn tôi đang sống tại Pháp chia sẻ rất thật nhưng cũng rất đáng buồn “bạn bè quốc tế chỉ biết đến Việt nam qua chiến tranh Việt Nam mà không biết Việt Nam ở đâu, to nhỏ thế nào. Có bạn còn nghĩ rằng Việt Nam vẫn đang chiến tranh và nói tiếng Trung vv …”
Việt Nam còn mờ nhạt như thế, đứng trước một cơ hội “ngàn vàng” như thế này, liệu có tận dụng triệt để cơ hội này để xây tạo được dấu ấn cho nền du lịch nước nhà?
Động thái đầu tiên là bổ nhiệm Ông Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn tác phẩm bom tấn "Kong: Skull Island" làm Đại sứ Du lịch Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2020, để thực hiện việc quảng bá, tuyên truyền cho du lịch Việt Nam thông qua các loại hình hoạt động công chúng, truyền thông, báo chí, nghệ thuật, nhiếp ảnh và các loại hình hoạt động khác hướng đến công chúng”.
Hãy thử tưởng tượng xem nếu việc mời đạo diễn của Kong skull island làm đại sứ có trong kế hoạch từ trước đó, song song với các hoạt động truyền thông cho phim là các hoạt động tuyên truyền quảng bá cho du lịch Việt Nam thì hiệu ứng sẽ như thế nào?
Dù rằng đã có những động thái tích cực nhưng dường như chúng ta vẫn đang trong thế bị động nhiều hơn chủ động.Phim công chiếu rồi chúng ta mới bỏ phiếu. Các hoạt động truyền thông liệu có thể triển khai được ngay? Các công ty lữ hành sẽ bắt được đúng trend, nhưng Du lịch Việt Nam e rằng sẽ trễ mất thời cơ.
Sự việc này có phần giống với việc Bia Hà Nội “trở tay không kịp” khi Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Việt Nam và uống bia Hà Nội. Họ đã không có một cái “chuẩn” để biết nên hành xử như thế nào cho “phù hợp” với thương hiệu Bia Hà Nội khi đứng trước cơ hội ấy.
Với thương hiệu du lịch, có lẽ chúng ta cần phải học hỏi rất nhiều từ các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan…. Malaysia là quốc gia đa sắc tộc với sự giao thoa về văn hóa của người Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ và nhiều dân tộc khác. Các nhà phân tích đã cho rằng, chính sự đa dạng về dân số là điểm yếu và khiến cho Malaysia không tạo được dấu ấn độc đáo trong tâm trí du khách, và khó có điểm khác biệt nổi trội so với các quốc gia khác.
Họ đã làm được điều không tưởng là biến điều tưởng như là “yếu điểm” của họ trở thành điểm khác biệt độc nhất cho thương hiệu. Năm 1999, Malaysia định vị trở thành điểm đến du lịch “đa dạng văn hóa, thiên đường ẩm thực” được yêu thích cho các phân khúc du khách khác nhau trên thế giới với chiến dịch “Malaysia, Châu Á đích thực”.
Định vị này cho thấy bản sắc của Malaysia là “sự đa dạng”. Không một nơi nào hội tụ đủ các màu sắc, hương vị, âm thanh và cảnh đẹp của Châu Á như Malaysia. Cũng không có quốc gia nào là “Châu Á đích thực” như Malaysia.
Và quan trọng “Châu Á đích thực, linh hồn của Châu Á, tinh túy của Châu Á” được thể hiện rất tập trung và xuyên suốt trong hoạt động truyền thông của Malaysia.Một Việt Nam với định vị “Vẻ đẹp bất tận – Timeless Charm”. Vậy du lịch Việt Nam cần thể hiện và làm nổi bật được cái “đẹp” của Việt Nam. Nhưng đó không chỉ là đẹp mà là “đẹp bất tận”.
Có lẽ nào Malaysia, Philipines, Thái Lan…. không đẹp? Liệu Việt Nam có “đẹp” hơn các quốc gia cùng khu vực để lấy “vẻ đẹp bất tận” làm điểm khác biệt độc nhất cho du lịch Việt Nam?Nếu khác biệt của du lịch Việt Nam là "đẹp" thì có lẽ chúng ta cần một vẻ đẹp cụ thể hơn. Đẹp cũng có nhiều kiểu đẹp, đẹp hiện đại hay cổ kính, đẹp nhân tạo hay đẹp nguyên sơ? Tất cả những vẻ đẹp này đều có thể thể hiện được, có thể hình dung được với du khách. Nhưng sẽ thách thức vô cùng để có thể làm cho du khách thấy được vẻ đẹp “bất tận” của Việt Nam.
Mọi thứ không xuất phát từ ngọn. Thương hiệu cũng vậy. Thương hiệu cần bắt nguồn từ gốc. Khi gốc rễ không đủ vững, việc khoác thêm những chiếc áo hào nhoáng và sức nặng của truyền thông cũng không thể làm cho gốc rễ chắc hơn.
Du lịch Việt Nam, nếu có một chiến lược thương hiệu xuyên suốt và bài bản thì có lẽ chúng ta sẽ bớt lúng túng hơn, chủ động hơn khi đứng trước những cơ hội như thế này. Mặc dù ở góc độ kinh tế các động thái của Việt nam có thể tăng nguồn thu cho du lịch, nhưng để ghi được dấu ấn đậm nét về “vẻ đẹp bất tận” thì e rằng Việt Nam cần làm nhiều hơn thế.
Dù nhận được khen chê khác nhau nhưng rõ ràng Kong: Skull Island sẽ là bộ phim giải trí thú vị dành cho khán giả vào dịp cuối tuần. Hơn hết, khán giả Việt Nam nhất định nên xem để thấy đất nước trên phim Hollywood lộng lẫy và huyền ảo ra sao.
Nội dung chính: Năm 1971, một tổ chức bí mật tên là Monarch phát hiện một hòn đảo chứa nhiều bí ẩn và được xác định là cái nôi của nhiều loài sinh vật lạ. Đoàn thám hiểm tới hòn đảo phát hiện một con khỉ khổng lồ tên Kong đang ở giữa một cuộc chiến tranh giành hòn đảo, cạnh tranh với động vật đầu bảng, biệt danh "Skullcrawler", loài đã làm tuyệt chủng loài của Kong. Khi đoàn thám hiểm lập kế hoạch để đấu tranh sinh tồn với Kong và những quái vật khác trên đảo, một số người trong số họ thấy rằng họ cần phải cứu Kong. |
Tổng hợp
--------------------
driVadz - CỘNG ĐỒNG QUẢNG CÁO TRÊN XE CÁ NHÂN
Hotline 1800.6825
>>> Truy cập để hiểu thêm về dịch vụ quảng cáo trên xe ô tô của driVadz
>>> Truy cập để hiểu thêm về dịch vụ quảng cáo trên xe máy của driVadz
>>> Truy cập để biết thêm về các chiến dịch quảng cáo trên xe cá nhân của driVadz
>>> Truy cập để biết thêm các thông tin trên driVadz Facebook
>>> Truy cập để tham gia vào cộng đồng chủ xe quảng cáo trên ô tô, xe máy của driVadz
>>> Truy cập để xem thêm các Video trên driVadz Youtube
>>> Truy cập để biết thêm các thông tin trên driVadz Linkedin
>>> Truy cập để xem thêm các hình ảnh quảng cáo trên xe cá nhân trên driVadz Instagram
>>> Truy cập để biết thêm các thông tin trên driVadz Pinterest